CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 23,23-26
Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Tx 2,1-8
Anh em thân mến, chính anh em cũng biết rằng sự chúng tôi đến với anh em không phải là luống công; nhưng dù khi trước chúng tôi phải khốn khổ sỉ nhục tại thành Phi-lip-phê.
Sau này Thánh Luca sẽ kể lại trong sách Công vụ (16,16-40). Thánh Phaolô đã bị đánh nhừ tử và bị tống ngục tại Phi-lip-phê thế nào trước khi đến Phi-lip-phê.
“Sứ vụ” không phải là một hoạt động an tĩnh. Là “Sứ giả”: là diễn lại thái độ của Chúa Giêsu, “Người tôi tớ đau khổ mà các khổ đau” không phải là vô ích, theo Isaia (49,4).
Tôi có xác tín rằng việc Tin Mừng hóa có phần liên quan đến thập giá không?
Các Thánh của mọi thời đã coi các đau khổ của họ như một sự thông phần với việc cứu chuộc loài người. Tôi có biết rằng các đau khổ của tôi có thể hữu ích, nếu tôi biết tự ý hiến dâng chúng không?
Chúng tôi vẫn cậy trông vào Thiên Chúa chúng ta mà chuyên lo rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.
Đây là sự phát lộ đầu tiên của thái độ đầu tiên của thái độ tiêu biểu kiểu Phaolô: Đầy tin tưởng, nói với niềm tin tưởng (2 Cr 3,12. 7,14; Ep 3,12. 6,29; Pl 1,20; 1 Tm 3,13; Plm 8; Dt 3,6. 4,16 v.v…). Phaolô không phải là người kiêu căng. Nhưng Người đã tìm gặp “nơi Thiên Chúa” sự kiên vững, niềm xác tín của Người. Điều này hoàn toàn trái ngược với người rụt rè. Người sẽ phải nói gì về những do dự chần chừ về nỗi lo sợ không dám loan báo Tin Mừng của chúng ta?
Vì chúng tôi không khuyên dạy những điều sai lầm, những điều ô uế, những điều gian dối.
Phaolô rất quan tâm để tẩy sạch khỏi “Tác vụ” của Người, những dịch vụ bề ngoài có chút tương hợp với những điều người ta có thể lầm lộn: quảng cáo đủ loại mà tiêu chuẩn của chúng ta là mưu mô xảo quyệt … với mục đích là tiền bạc, ảnh hưởng, những động lực Phaolô coi là ô uế.
Chúng tôi đã được Thiên Chúa thử thách. Chúng tôi giảng dạy mà không muốn làm đẹp lòng người đời, nhưng muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Tiêu chuẩn duy nhất của Phaolô là Thiên Chúa.
Phaolô nói rằng Người đã “chịu xét nghiệm”, đã “bị thử thách” không phải trước mặt người đời để làm đẹp lòng họ, nhưng trước mặt Thiên Chúa đòi hỏi vô cùng phải chân thật về lời, phải có uy tín.
Chúng tôi không bao giờ nói lời xua nịnh như anh em biết, và cũng không tìm dịp trục lợi, như Thiên Chúa chứng giám: Chúng tôi không cầu vinh nơi loài người.
Vị Tông đồ không chỉ nói lời Tin Mừng thôi, nhất là không nói bằng lời của mình, mà bằng những thái độ của mình. Lạy Chúa, xin làm cho đời sống chúng con phù hợp với lời chúng con nói, với các lời khuyên tốt đẹp chúng con đưa ra cho người khác với lý tưởng chúng con tán dương cho xã hội. Có biết bao Linh mục không thực hành lời họ giảng! Có biết bao cha mẹ không hành động như lời họ truyền cho con cái họ phải làm! Có biết bao chiến sĩ, những người hữu trách, không áp dụng trong hành động riêng của họ những nguyên tắc họ bảo vệ bằng lời nói! Và con, có sự sai biệt nào trong các ý định và thái độ thực sự của con?
Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã nên nghĩa thiết với chúng tôi.
Dịu hiền, yêu thương, tự hiến: Những nhân đức của tình mẫu tử, các nhân đức của vị Tông đồ. Người ta chỉ có thể nói Tin Mừng cho những ai người ta yêu thương … và khi trao hiến chính mình.
Bài đọc II: 2 Tx 2,1-3.14-17
Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, chúng tôi xin anh em điều này.
Chủ đề quan trọng trong hai thư đầu tay của Thánh Phaolô là: “Tái quang lâm”. Sự “lại đến” của Đức Giêsu vào ngày thế mạt. (Parousia theo tiếng Hy Lạp).
Một số Kitô hữu bị ám ảnh trước sự kiện Chúa Giêsu sắp trở lại và nóng lòng chờ đợi ngày ấy, đến nỗi họ lơ là với các bổn phận thường ngày. Trong bài đọc ngày mai chúng ta sẽ thấy Thánh Phaolô đưa họ về lại với thực tại thường ngày thế nào.
Ngày Nay, ngược lại phải chăng chúng ta đã quên đi cái chiều kích căn bản này của Đức tin. Thực ra chúng ta đọc: “Chúng con trông đợi Người lại đến trong vinh quang”. Lạy Chúa Giêsu… xin Người đến… chúng con mong đợi Người đến… chúng ta thường hát các lời tuyên xưng Đức tin ấy sau lúc Truyền Phép, trong mỗi Thánh lễ.
Nếu có ai bảo rằng chúng tôi được mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần giao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng ai lừa dối anh em bất cứ cách nào.
Phaolô muốn nói lại cách đơn sơ điều Đức Giêsu đã tuyên bố: “Không ai biết được ngày nào, giờ nào… Ngày Chúa đến như một tên trộm… phải luôn sẵn sàng” (Mc 13; Mt 24 ; Lc 21).
“Ngày của Chúa” theo tất cả các truyền thống ngôn sứ, đó là ngày kết thúc lịch sử: Ngày mà Đức Kitô Phục sinh sẽ cướp lấy các kẻ quy hướng về Người, khỏi sự hư mất.
Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo mà kêu gọi anh em để anh em hưởng vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ngày Chúa đến vào thời cánh chung, đó là cuộc khai mở ngày các Tín hữu sống mật thiết với Đức Kitô, ngày hoàn tất chương trình cao cả của Thiên Chúa: loài người được rạng ngời vinh quang của Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta đang cùng tiến bước đến ngày hoàn tất ấy.
Như thế, ngày thế mạc đã bắt đầu trong mức độ mà ta tập sống, mật thiết với Đức Kitô. Nhưng chúng ta vẫn còn đợi ngày “tái quang lâm” ngày Đức Giêsu “đến” dứt khoát.
Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững… Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta, đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm trông cậy tốt đẹp.
Tư tưởng được gặp lại Đức Giêsu như một bí quyết tác động âm thầm nơi các Kitô hữu. Họ cho đó là một khích lệ thâm sâu. Các cuộc bắt bớ, những nỗi gian truân chóng qua, không là gì đối với họ khi so sánh với vinh quang đang chờ đợi họ (Rm 8,18).
Tôi có đứng vững không? Lòng can đảm này dựa trên điểm nào?
Tôi có quan niệm rằng Thiên Chúa như Đấng ban cho tôi niềm “hy vọng hoan lạc” này không?
Niềm xác tín này có thay đổi gì cho các thái độ thường ngày của tôi không? Tôi đã minh chứng điều này thế nào? Giữa bao người đang thất vọng, khi họ cho rằng họ chỉ gặp toàn là điều phi lý trong thân phận loài người, thì tôi nghĩ sao? Gương mặt của tôi, cách tôi hành động, lối ăn nói của tôi, có nói lên được rằng “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12). Tôi biết tôi đi về đâu không?
Anh em hãy nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ.
Đây là nơi tham chiếu để phân tích sự chân thật khỏi điều dối trá.
BÀI TIN MỪNG: Mt 23,23-26
Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thìa là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật, là công lý, ân nghĩa và thành tín.
Lề luật dự kiến mỗi người thu hoạch phải dâng cúng cho Đền thờ một phần mười!
Đó là điều Đức Giêsu đã giải thoát cho ta!
Nào, hãy mở rộng mọi phạm vi của ta! Hãy mở tung các cửa của Tôn giáo! Ngày nay, Đức Giêsu cũng luôn nói với ta điều đó.
Nếu nhóm Pharisêu ưa tỉ mỉ trước những việc tầm phào, thì ngược lại họ tỏ ra khá phóng khoáng đối với những điểm khác quan trọng hơn. Còn Đức Giêsu nhắc gọi đến những đòi hỏi quan trọng của các ngôn sứ thuộc mọi thời đại: công lý, lòng xót thương, thành tín. Ngày nay, ta có thể nói đến: trợ giúp người nghèo, bênh vực người yếu kém và bị áp bức, đời sống trong sạch của hôn nhân, lương thiện nghề nghiệp, công bình xã hội, v.v…
Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.
Đức Giêsu không phải là một nhà cách mạng, đến giảng truyền tự do chỉ vì tự do. Người ước muốn, việc trung thành tuân giữ nghi thức phụng tự cần phản ánh việc trung thành thực thi tình yêu đối với tha nhân, trong suốt đời sống.
Không phải “đời sống” hay “phụng tự”.
Mà là “đời sống” và “phụng tự”.
Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc tham lam! Hỡi người Pharisêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch đã, thì bên ngoài cũng sẽ được sạch.
Tài liệu tìm thấy ở Qumran minh chứng cho ta biết, nơi người Do Thái, mối lo lắng giữ trong sạch theo luật to lớn biết bao. Cần phải thanh tẩy nhiều thứ, về mọi vấn đề. Một con ruồi nhỏ rơi vào bát canh, cũng làm cho bát canh trở nên “ô nhơ”.
Ta đừng làm bộ, lên mặt kết án những thực hành như thế, làm như thế nếp sống hiện đại đã dứt khoát giải thoát ta khỏi những chi tiết không chút quan trọng đó, khỏi những cấm kỵ phi lý trên.
Ngày nay, Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục lặp lại cho ta rằng, nghi lễ bên ngoài (thanh tẩy “chén đĩa”) ít quan trọng hơn là thanh sạch bên trong. Các cuộc tranh cãi hiện nay, trong một số quốc gia, về việc “rước lễ trên tay” hay “rước lễ đặt nơi miệng”, đều nằm trong vấn đề này.
“Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mt 15,11).
Đôi khi ta cứ tưởng rằng, chỉ mình thời đại này mới là thời đại rối loạn: Tập quán, thói quen biến đổi, tạo nên chống đối giữa những cung cách đối xử khác nhau.
Nhưng, thời đại nào cũng vậy, Giáo Hội đã quá biết những thay đổi, những chống đối như thế. Thời Đức Giêsu, Người đã là một nhân tố biến đổi những tập tục của người Do Thái đồng đạo với Người. Nói vắn gọn, trước những quan điểm chi tiết trên, Đức Giêsu đã có tinh thần rất rộng! Nhưng cũng cần nói thêm: Người dễ nổi giận với những kẻ muốn bênh vực bằng bất cứ giá nào những tập tục mà Người đã bác bỏ.
Sở dĩ Matthêu cố ý tường thuật cho chúng ta những lời khiển trách trên có thể là làm ta rất ngạc nhiên là vì Giáo Hội thời ông đã gặp những cảnh luận chiến dữ dội giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, ngay giữa lòng các cộng đoàn. Các Kitô hữu gốc Do Thái muốn bảo thủ tối đa những tập tục Do Thái. Còn các Kitô hữu khác, rõ ràng lại dựa vào các lời dạy của Đức Giêsu để bênh vực một quan điểm rộng rãi hơn.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vượt qua những chống đối.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giê Su than trách các luật sĩ và biệt phái.
HOÀN CẢNH:
Đức Giê Su tiếp tục than trách các luật sĩ và các biệt phái giả hình.
Ý CHÍNH:
Bài Tin-Mừng hôm nay đề cập đến hai lời than trách về vấn đề nộp thuế và sự thanh sạch.
TÌM HIỂU:
23-24 “… Các ngươi nộp thuế thập phân …”:
Lời than trách này nhằm vào tính sốt sắng trong việc nhỏ mà bỏ việc lớn: nộp thuế về rau bạc hà mà lỗi đức công bình, chính trực và thành tín.
Trong Cựu Ước (Đnl 14,22), thuế thập phân về hoa màu đồng ruộng là biện pháp để người Do Thái nhớ rằng: đất mà họ ở là sở hữu của Thiên-Chúa. Nhưng các nhà lãnh đạo dân Chúa quá chú trọng đến số lượng tiền bạc họ thu vào hơn là ý nghĩa tôn giáo của việc nộp thuế, đến nỗi họ đánh thuế cả vào luống rau thơm, mà lại sao lãng các điều quan trọng nhất của lề luật như sự công bằng, lòng chính trực và sự trung tín. Thật là kiên con muỗi mà nuốt con lạc đà.
Đã hẳn Chúa không bảo phải khinh chê những điều nhỏ mọn, mà chỉ có ý lên án cái óc tham mê tiền bạc, biến tôn giáo thành doanh nghiệp, lạm dụng lòng đạo đức của kẻ nghèo khó để biểu dương thế lực tôn giáo.
25-26 “… các ngươi rửa sạch bên ngoài chén đĩa …”:
Lời than trách này nhằm tính giả hình, chỉ lo sạch cái bên ngoài mà không lo thanh sạch bề trong.
Cái chén là tượng trưng cho con người: tìm cách tự thanh tẩy bằng những nghi thức tắm gội, mà không lo đến việc sám hối, thanh tẩy những nhơ nhớp do những tình gian ý trái mà ra (Mt 15,11).
Thanh tẩy bên trong cái chén là thành khẩn noi giữ luật Chúa, và điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách chấp nhận Tân Ước mà Chúa Giê-su rao giảng. Nhưng các thầy lãnh đạo Do Thái từ chối không chấp nhận Tân Ước để được thanh tẩy bề trong một cách triệt để, mà chỉ ưa bám sát đến những phương tiện bề ngoài của Cựu Ước, khinh chê việc cắt bì nội tâm.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nhìn vào Chúa Giê-su:
a) Xem việc Chúa làm:
- Chúa Giê-su than trách các nhà lãnh đạo Do Thái chỉ chú trọng đến các việc nhỏ và các hình thức bên ngoài của đời sống mà sao lãng các việc quan trọng và bên trong của tâm hồn.
Điều này thức tỉnh chúng ta khi chúng ta ham việc nhỏ mà bỏ việc lớn, lo cho đời sống tự nhiên mà sao lãng việc đời sống tinh thần và tâm linh.
Đồng thời điều này cũng cảnh giác khi chúng ta vì quá tham lam và ham mê vật chất mà lỗi đức công bằng và thiếu tình bác ái đối với tha nhân.
- Chúa Giê-su dựa vào những công việc tự nhiên để nhắc nhủ về đời sống siêu nhiên: lo rửa chén đĩa, thì cũng phải lo thanh tẩy tâm hồn. Điều này nhắc nhủ chúng ta phải biết dựa vào công việc tự nhiên để thúc đẩy ta chăm lo cho đời sống siêu nhiên: không được làm việc này mà bỏ việc kia, phải thực hiện cả hai vì việc của đời sống nội tâm quan trọng hơn việc thuộc về đời sống tự nhiên.
b) Nghe lời Chúa nói:
- Chúa than trách tội giả hình của các luật sĩ và các biệt phái về việc chăm lo cái nhỏ mà bỏ việc lớn, chăm lo cho đời sống tự nhiên mà sao lãng đời sống siêu nhiên. Điều này nhắc nhủ chúng ta đừng quá lo lắng việc đời mà sao lãng việc Chúa, đừng quá mải miết làm ăn nuôi sống, tìm lợi lộc vật chất mà bỏ qua việc thờ phụng Thiên-Chúa.
- Chúa than trách tội giả hình về việc thanh sạch. Điều này chúng ta cần ý thức:
- Khi lo tắm rửa thân xác thì cũng phải nghĩ đến việc thanh tẩy tâm hồn khỏi những bợn nhơ do tính ích kỷ, lòng tham lam ham hố của cải, danh vọng, vật chất và xác thịt.
- Khi tổ chức lễ trọng, ta quá để ý đến việc trang trí, y phục, sinh hoạt bên ngoài, mà sao lãng điều cốt yếu là dọn tâm hồn thanh sạch, chuẩn bị tinh thần mừng lễ sốt sắng và tập những nhân đức Ki-tô giáo đích thực liên quan đến tinh thần của ngày lễ.
- Bề ngoài phải có nhưng phải có cả bề trong nữa.
2. Nhìn vào các luật sĩ và biệt phái:
Đặt mình vào các luật sĩ và biệt phái giả hình, chúng ta tự nhận thức về mình:
- Tôi có tính sốt sắng việc nhỏ mà bỏ việc lớn không?
- Tôi có chú ý chăm lo những việc vật chất mà sao lãng đến việc tinh thần như lòng bác ái, sự trung tín, tinh thần công bình và lòng nhân nghĩa không?
- Khi tôi lo trang sức cho thể xác và trang trí những cái bên ngoài, tôi có lọ thanh tẩy đời sống, thánh hóa bản thân và thánh hóa tha nhân không?